Định nghĩa Đế_quốc

Theo định nghĩa của các nhà sử học Marxist thì đế quốc là quốc gia đi xâm lược các nước khác, thống trị các nước chiếm được, tiến hành vơ vét của cải, khai thác tài nguyên và bóc lột sức lao động dân bản xứ. Đế quốc là một nước thống trị nhiều nước, và các nước bị thống trị được gọi là thuộc địa. Trường phái Marxist chỉ trích rất nặng nề đối với "đế quốc" nhất là giai đoạn đối đầu ý thức hệ trong thế kỷ XX.

Theo cách lý giải của những nhà sử học tư bản phương Tây thì đế quốc là tập hợp nhiều quốc gia, trong đó có một quốc gia nắm vai trò lãnh đạo cả hệ thống. Đế quốc theo quan niệm này không phải là một nước, mà là một hệ thống. Những nhà sử học thuộc trường phái này mặc dù thừa nhận sự tiêu cực của đế quốc nhưng vẫn mô tả mặt tích cực của nó, như sự lây lan của văn minh phương Tây với nhiều tiến bộ.

Quan niệm thống nhất giữa hai trường phái sử học đối với "đế quốc" thì quan hệ giữa nước thống trị và bị trị trong hệ thống đế quốc đó là bất bình đẳng. Vì nếu sự bất bình đẳng không tồn tại thì hệ thống sẽ được gọi là "liên bang".

Trong các cách định nghĩa khác, đế quốc là một quốc gia đa sắc tộc hay nhà nước đa quốc gia với sự thống trị về mặt chính trị, quân sự của một dân tộc đối với các dân tộc có sự khác biệt về văn hóa và dân tộc.[2]

Tom NairnPaul James định nghĩa đế chế là thực thể chính trị "mở rộng quan hệ quyền lực trên các không gian lãnh thổ mà họ không có chủ quyền pháp lý trước đó và mở rộng một hoặc nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa, họ có được một số đo lường quyền bá chủ rộng rãi trên các không gian đó cho mục đích trích xuất hoặc tích lũy giá trị".[3] Rein Taagepera đã định nghĩa một đế chế là "bất kỳ thực thể chính trị có chủ quyền tương đối lớn nào đối với các thành phần không có chủ quyền".[4]

Tuy vậy, trong lịch sử tồn tại những trường hợp rất khác biệt nhau khiến cho việc hiểu đế quốc theo một định nghĩa chung không phải là điều đơn giản. Điển hình như trường hợp Đế quốc La Mã Thần thánh (từ thế kỷ 8 đến năm 1806) không có thẩm quyền ở nhiều nước châu Âu nhưng vẫn được duy trì như một hệ thống phân chia thứ bậc chính trị hoàng quyền, một hệ thống Công giáo được nhiều nước thần phục và đóng thuế tượng trưng. Trường hợp khác là Trung Quốc với hệ thống thần phục và triều cống chứ không có chủ quyền thực tế chính trị và lãnh thổ đối với các nước láng giềng. Hay như trường hợp phức tạp của Hoa Kỳ vẫn gây tranh cãi hiện nay.